Content text 3. Cách thức ôn luyện và làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn.docx
3. Cách thức ôn luyện và làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn Điểm mới của Chương trình GDPT 2018, trong đó có môn học Ngữ văn, là tập trung vào mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Bởi vậy, với môn Ngữ văn, chương trình và tài liệu dạy học (sách giáo khoa) hướng vào việc trang bị cho học sinh các tri thức công cụ, hướng dẫn cách học, rèn luyện cho học sinh kĩ năng đọc, viết,... để học sinh có khả năng thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Yêu cầu cần đạt chính là sự “giải nén” mục tiêu của chương trình. Nội dung dạy học cụ thể trong các bộ sách giáo khoa trở thành tài liệu hướng dẫn và ngữ liệu thực hành để đáp ứng các yêu cầu cần đạt này. Do vậy, khi đánh giá kết quả đầu ra, chương trình đòi hỏi cần sử dụng các ngữ liệu mới tương đương để người học thực hiện nhiệm vụ, qua đó “đo” năng lực thực tế đạt được. Trong bối cảnh dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, thực hiện một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa như vậy, để ôn luyện và làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn hiệu quả, cần lưu ý những điểm sau đây: - Hệ thống hóa, nắm vững tri thức ngữ văn và cách thức nhận diện, phân tích, sử dụng tri thức ngữ văn, trong đó đặc biệt chú ý các tri thức được học ở lớp 12 hoặc được học ở cả ba lớp 12, 11 và lớp 10. Các tri thức này bao gồm kiến thức lý thuyết - ứng dụng của lĩnh vực tiếng Việt và văn học, chúng có vai trò là tri thức công cụ giúp học sinh có thể sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ đọc hiểu và viết trong bài thi. Tri thức ngữ văn cần được hệ thống hoá thành từng loại để dễ dàng nắm bắt, khắc sâu. Ví dụ: tri thức đọc hiểu về thể loại truyện (nhân vật, câu chuyện, người kể chuyện và ngôi kể, điểm nhìn, lời người kể chuyện, lời nhân vật,...), tri thức đọc hiểu về thể loại thơ (ngôn từ, hình ảnh, vần, nhịp, đôi, chủ thể trữ tĩnh, nhân vật trữ tình, cấu tứ, hình thức bài thơ,...), tri thức đọc hiểu về nội dung và ý nghĩa của văn bản văn học (đề tài, chủ đề, tư tưởng, thông điệp,...), tri thức về các biện pháp tu từ tiếng Việt (nhân hoá, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ,...),... Để đáp ứng yêu cầu là tri thức công cụ, giúp người học sử dụng vào hoạt động đọc hiểu và viết văn nghị luận, việc hệ thống hoá cần ngắn gọn, làm rõ các yếu tố bản chất của mỗi đơn vị tri thức ngữ văn: khái niệm (là gì?), cách thức, thao tác cụ thể mà người học cần thực hiện để xác định được biểu hiện của đơn vị kiến thức ngữ văn này trong một văn bản mới cần đọc hiểu hoặc cần viết đoạn văn, bài văn nghị luận (làm thế nào để xác định, phân tích đơn vị kiến thức ngữ văn đó trong văn bản đọc hiểu?). Tuy ba bộ sách giáo khoa hiện nay đều trang bị các đơn vị kiến thức ngữ văn theo yêu cầu của chương trình, nhưng chúng được học ở từng bài khác nhau, cách sắp xếp, tổ chức gắn với ý tưởng của mỗi bài học, cách giới thiệu, trình bày đôi khi còn khá khái quát, chưa nhấn mạnh vào việc chỉ ra các thao tác cần thực hiện để người học có thể vận dụng vào thực tiễn đọc hiểu và viết văn nghị luận khi tiếp nhận một ngữ liệu mới với các yêu cầu cụ thể,... Cuốn sách này sẽ giúp học sinh giải quyết nhiệm vụ hệ thống hoá đó một cách hiệu quả, có khả năng ứng dụng cao. - Hệ thống và nắm vững tri thức về cách tạo lập các loại văn bản nghị luận văn học, nghị luận xã hội (cách xác định đề, cách tìm luận điểm, luận cứ và minh chứng, cách sử dụng các thao tác lập luận trong bài viết, cách viết đoạn văn, bài văn,...). - Thực hành sử dụng các tri thức ngữ văn đã nắm vững làm công cụ để đọc hiểu (trả lời các câu hỏi tự luận ngắn) và tạo lập văn bản (viết đoạn văn, bài văn nghị luận) theo yêu cầu của bài thi. Bài thi đánh giá năng lực đọc hiểu và năng lực viết không đòi hỏi học sinh phải ghi nhớ các kiến thức ngữ văn, nhưng nếu không nắm vững tri thức công cụ đã được trang bị và rèn luyện cách thức thực hành trên ngữ liệu mới thuộc nội dung quy định của chương trình (các đối tượng đọc hiểu và viết như đã nêu ở mục 1 trên đây) thì sẽ không thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Phần này đòi hỏi giáo viên cần lựa chọn được hệ thống ngữ liệu đáp ứng yêu cầu, quy định của chương trình, thuộc nội dung mạch đọc, viết được đánh giá trong bài thi (mục 1); cần xây dựng được các câu hỏi đọc hiểu và nhiệm vụ viết theo ma trận đã xác định; xây dựng được đáp án cho mỗi yêu cầu, nhiệm vụ;