Content text 1. Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn.docx
Phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh là mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Theo lộ trình, đến năm học 2024 - 2025, chương trình được thực hiện ở toàn bộ các cấp, lớp. Song song với hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá là một khâu quan trọng, vừa giúp đánh giá được phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu cần đạt của chương trình, vừa giúp người dạy, người học cùng các cấp quản lý điều chỉnh các hoạt động dạy học và chỉ đạo chuyên môn bám sát thực tiễn. Bài thi tốt nghiệp THPT thuộc hình thức đánh giá kết thúc. Kết quả của bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ' văn có ý nghĩa quan trọng, giúp xác nhận kết quả học tập của học sinh sau toàn bộ quá trình học tập môn học ở nhà trường phổ thông, là cơ sở để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là một trong những phương án để học sinh xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Với các nhà trường phổ thông, kết quả bài thi phản ánh chất lượng dạy và học bộ môn, là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá chất lượng của cơ sở giáo dục. Để hướng dẫn học sinh thực hiện tốt bài thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh đánh giá mới - đánh giá năng lực, thay vì đánh giá nội dung như chương trình 2006 - trước hết cần làm rõ một số định hướng về nội dung đề thi tốt nghiệp; định dạng, cấu trúc đề thi; cách thức ôn luyện và làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn đạt hiệu quả cao. 1. Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn gồm hai nội dung: Đọc hiểu và Viết. Để ôn luyện và làm chủ mỗi nội dung này, với mỗi mạch, cần làm rõ: học sinh đọc loại văn bản nào, viết đoạn văn, bài văn nghị luận về những vấn đề nghị luận xã hội, văn học nào (đối tượng đọc hiểu, đối tượng viết) và yêu cầu, mức độ cần đạt cho mỗi mạch nội dung mà học sinh cần phải thực hiện. Xác định rõ nội dung của từng phần và sự phân bố nội dung các phần đó ở mỗi lớp giúp học sinh ôn tập đúng trọng tâm, hệ thống và làm bài hiệu quả. 1.1. Đọc hiểu 1.1.1. Đối tượng đọc hiểu: Học sinh đọc hiểu một trong ba loại văn bản: văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin, gồm: - Văn bản văn học: + Truyện: Truyện truyền kì (lớp 12); Truyện ngắn (truyện ngắn hiện đại) (lớp 10, 11, 12), Tiểu thuyết (lớp 10, 11, 12); Tiểu thuyết hiện đại (lớp 11, 12), Tiểu thuyết hậu hiện đại (lớp 12); Truyện thơ dân gian (lớp 11), Truyện thơ Nôm (lớp 11); Truyện kí (lớp 11); Thần thoại (lớp 10), Sử thi (lớp 10). + Thơ: Thơ trữ tình hiện đại (lớp 12); Thơ (có yếu tố tự sự, tượng trưng) (lớp 11); Thơ trữ tình (lớp 10). + Kịch: Hài kịch (lớp 12); Bi kịch (lớp 11); Kịch bản chèo hoặc tuồng (lớp 10). + Kí: Phóng sự (lớp 12); Nhật ký hoặc hồi kí (lớp 12); Tuỳ bút hoặc tản văn (lớp 11). - Văn bản nghị luận: Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học - Văn bản thông tin: Báo cáo nghiên cứu, văn bản thông tin tổng hợp, thư trao đổi công việc. - Văn bản của các tác giả: Hồ Chí Minh (văn nghị luận, truyện ngắn, thơ) (lớp 12), Nguyễn Du (thơ chữ Hán, Truyện Kiều) (lớp 11), Nguyễn Trãi (văn nghị luận, thơ chữ Nôm) (lớp 10). 1.1.2. Yêu cầu cần đạt trong đọc hiểu văn bản a. Văn bản văn học - Đọc hiểu nội dung + Phân tích được đề tài, câu chuyện, sự kiện, nhân vật và mối quan hệ của nhân vật trong chỉnh thể tác phẩm. + Đánh giá được vai trò của những chi tiết tiêu biểu/ chi tiết quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản.