Content text GT MARKETING TT.pdf
1 Chương 1. NHẬP MÔN MARKETING THỂ THAO Mục tiêu. Chương này có nhiệm vụ khái quát các kiến thức chung của marketing; những vấn đề về bản chất của marketing, khái niệm marketing và các khái niệm, thuật ngữ mở rộng liên quan đến marketing và marketing thể thao; các đặc điểm quản trị và nhiệm vụ chủ yếu của quản trị marketig. Chương này cũng nhằm giới thiệu các đặc điểm, triết lý cốt lõi và cấu trúc marketing thể thao, những vấn đề cơ bản về nguyên tắc và công cụ marketing thể thao làm đề cương định hướng xuyên suốt giáo trình. Cuối chương giới thiệu khái quát phương pháp nghiên cứu trong marketing thể thao. Kết thúc chương này, sinh viên có thể: ➢ Giải thích ý nghĩa, bản chất, khái niệm marketing và marketing thể thao. ➢ Xác định hai khía cạnh đặc trưng của marketing thể thao. ➢ Có thể nhận biết triết lý marketing thể thao, quá trình, một tập hợp các nguyên tắc và các công cụ của marketing thể thao. ➢ Hiểu được mối quan hệ giữa lý luận và thực hành các phương pháp, nguyên tắc và công cụ của marketing thể thao theo một cấu trúc marketing thể thao. ➢ Nắm bắt một số yêu cầu cơ bản trong nghiên cứu marketing thể thao. Các tổ chức/ doanh nghiệp thể thao Việt Nam hiện đang hoạt động trong cơ chế thị trường, tuy có sự điều tiết của Nhà nước những cũng gặp nhiều khó khăn trong môi trường kinh doanh nhiều biến động và chịu tác động bởi bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội của quốc gia và quốc tế. Mặt khác, quá trình hội nhập quốc tế của nền kinh tế nước ta với khu vực và thế giới đang đặt ra cho các tổ chức/ doanh nghiệp,
3 Lưu ý: Dấu / giữa 2 từ: có thể hiểu theo 2 nghĩa “hoặc” và “và” tùy ngữ cảnh. Ví dụ: tổ chức/ doanh nghiệp thể thao vừa có nghĩa là tổ chức thể thao “và” doanh nghiệp thể thao, vừa có nghĩa tổ chức thể thao “hoặc” doanh nghiệp thể thao. 1. Bản chất của marketing. 1.1. Marketing là gì? 1.1.1. Khái niệm marketing. Thuật ngữ “marketing” được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Trong giới kinh doanh, nhiều nhà quản trị thường cho rằng marketing là bán hàng, quảng cáo và nghiên cứu thị trường để người khác nhận biết được sản phẩm, hoặc thu hút để nhiều người tiêu dùng mua nó. Tuy nhiên, khái niệm marketing có nội hàm rộng hơn rất nhiều so với cách giải thích này. Thực tế có một chuỗi những hoạt động không phải là sản xuất nhưng thực sự góp phần tạo ra giá trị cho sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Những hoạt động này được tiến hành trước khi sản xuất, trong quá trình sản xuất, trong khâu tiêu thụ và cả trong giai đoạn sau khi bán sản phẩm, đó chính là các hoạt động trên thị trường của doanh nghiệp – hoạt động marketing. Mục đích của hoạt động này tập trung vào tìm kiếm những nhu cầu và mong muốn của khách hàng tiềm năng và tìm cách thỏa mãn những nhu cầu này hiệu quả hơn đối thủ cạnh tranh khác. Chìa khóa để đạt được các mục tiêu của hai bên doanh nghiệp và khách hàng là ý tưởng trao đổi những thứ có giá trị giữa hai bên, sao cho mỗi bên đều nhận được những lợi ích cao hơn, thỏa mãn sự hài lòng sau khi trao đổi. Hiểu đơn giản, marketing có nghĩa là tập trung vào làm hài lòng nhu cầu của khách hàng. Trong ngành công nghiệp thể thao, marketing thể thao tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu và mong muốn của khách hàng, thường là những người tiêu dùng thể thao, bao gồm những người tham gia hoạt động thể thao, những người xem các chương trình thể thao, những người mua hàng hóa, đồ dùng thể thao như trang phục, dụng cụ tập luyện thể thao, vật kỷ niệm thể thao... thậm chí những người chỉ đọc báo thể thao, lướt qua những trang web có liên quan đến hoạt động thể thao với mục đích tìm hiểu những đội bóng, hoặc cầu thủ và sự kiện họ ưa thích cũng có thể được xem là những người tiêu dùng thể thao.