Content text 253.2 - TVTT0002353 - Linh Mục - Người Là Ai - Tấn Anh - Phan Tấn Thành.pdf
dự vào chức tư tế của Đức Kitô nữa. Đó là điều quen được gọi là chức tư tế phổ quát (sacerdotium commune). Làm thế nào giải thích được hai cách thức tham dự vào cùng một chức tư tế của Đức Kitô? Nhằm tìm lối thoát ra khỏi ngõ bí đó, người ta nhận thấy từ sau cộng đồng một khuynh hướng mới trong việc định nghĩa căn cước của linh mục. Thay vì quy chiếu vào Đức Kitô (linh mục là hiện thân của Đức Kitô, alter Christus), cần phải quy chiếu vào Giáo hội: Giáo hội đã nhận lãnh sứ mạng tiếp nối công tác cứu độ của Đức Kitô. Nhằm chu toàn sứ mạng đó, Giáo hội thiết lập những tác vụ khác nhau, trong số đó có tác vụ linh mục. Linh mục nhận lãnh chức vụ từ Giáo hội để phục vụ cộng đoàn. Linh mục là “con người của Giáo hội” thì đúng hơn là “Đức Kitô khác”. Thậm chí có người chủ trương rằng khi cần thiết, cộng đoàn có thể chỉ định vài phần tử làm linh mục (tựa như bầu xã trưởng) có han ky. Nói theo ngôn ngữ chính trị, linh mục là con người “do dân” và “vì dân”, chứ chẳng phải là thay mặt hay nhân danh Đức Kitô gì hết! Tại Thượng hội đồng Giám mục họp năm 1971, đã có những nghị phụ tố giác rằng nguyên nhân khủng hoảng của các linh mục không phải tại lý do tâm lý tình cảm (vấn đề độc thân) cho bằng tại lý do căn cước. Chúng tôi không dám quả quyết rằng nhận định đó chính xác tới đâu, nhưng một điều chắc chắn là từ Công Đồng đến nay, thần học về căn cước linh mục đang tìm cách dung hòa hai khuynh hướng: vừa đặt linh mục trong tương quan với Đức Kitô và vừa đặt linh mục trong tương quan với Giáo hội. Có thể nói rằng đó là điểm mà Thượng hội đồng Giám mục năm 1990 muốn nhắm tới, như chúng ta có thể nhận thấy nơi tông huấn Pastores dabo vobis (25/3/1992). Chúng ta hãy đi ngược lại dòng thời gian 30 năm qua, để tìm về những lý do đã gây ra việc đặt lại căn cước của linh mục trong thời kỳ nhóm họp cộng đồng Vaticano II.
Cho tới công đồng Vaticano II, các sách thần học viết về linh mục đều nhất trí ở 3 điểm chính sau đây. – Chức linh mục được đặt ở chóp đỉnh của bí tích truyền chức thánh. Linh mục lãnh nhận quyền cử hành bí tích Thánh thể và giải tội. Chức Giám mục không tăng thêm cấp độ nào xét về chức thánh (potestas ordinis), mà chỉ khác nhau xét về quyền tài phán (potestas iurisdictionis). – Chức linh mục được định nghĩa hướng về việc tế lễ. Trọng tâm của đời linh mục là dâng Thánh lễ. Người ta đã chứng minh rằng không riêng gì Kitô giáo mà các tôn giáo cũng đều coi công tác chính yếu của linh mục (sacerdos: tư tế) là tế lễ. Thêm vào đó, phần nào muốn phản ứng lại phong trào Cải cách Tin lành nhấn mạnh việc rao giảng Lời Chúa, thần học công giáo chú trọng tới Thánh lễ như là đặc trưng của phụng tự Kitô giáo, chứ còn nhiệm vụ rao giảng thì không được lưu ý cho lắm. Các linh mục lại càng không nên pha mình vào chuyện thế sự, bởi vì đó là lãnh vực của các giáo dân. – Tiêu chuẩn cuối cùng để định nghĩa căn cước linh mục là Đức Kitô. Đức Kitô được nhìn dưới dung nhan của vị Thượng tế, trung gian giữa Thiên Chúa với loài người. Đức Kitô được cung hiến làm tư tế do việc kết hiệp giữa Ngôi Lời với nhân tính. Chức tư tế gắn vào bản tính của Đức Kitô. Ngài đã thực hiện chức vụ đó cách tuyệt hảo trên thập giá, nơi mà Ngài vừa là tư tế vừa là hy lễ. Khi thiết lập bí tích Thánh Thể để tưởng niệm hy lễ cực trọng. Đức Kitô cũng đã thiết lập chức linh mục, và ban cho họ quyền hành để hy lễ nhân danh Ngài. Các linh mục là “Kitô kép” (alter Chiristus). Đức Kitô hiện diện nơi các linh mục, đặc biệt khi các vị cử hành bí tích Thánh Thể và tha tội. Các linh mục là hiện thân của Đức Kitô trong cộng đoàn: các linh mục cai quản cộng đoàn và đứng ở trên cộng đoàn: các linh