PDF Google Drive Downloader v1.1


Report a problem

Content text 11. TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của BLHS hiện hành và một số đề xuất – Pgs.Ts. Cao Thị Oanh.pdf

1 TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ HIỆN HÀNH VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT Cao Thị Oanh Tóm tắt Bài viết nghiên cứu quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Dự thảo 3 Luật Tư pháp người chưa thành niên về trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, chỉ ra những điểm bất cập từ đó nêu quan điểm hoàn thiện nội dung tương ứng. Từ khóa: trách nhiệm hình sự, người chưa thành niên phạm tội, Bộ luật hình sự năm 2015 1. Khái quát quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại chương XII gồm 5 nhóm quy định cụ thể gồm: 1/ Các quy định chung về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; 2/ Các biện pháp giám sát, giáo dục được áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự; 3/ Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; 4/ Hình phạt; 5/ Quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn giảm hình phạt, xóa án tích. Nhìn chung, quy định về trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đã kế thừa các quy định tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1999 và tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở nội luật hóa pháp luật quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia và đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn của Việt Nam. Có thể khái quát chung về trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội qua các nội dung chính sau đây: Trước hết, tư tưởng chỉ đạo hoạt động xử lý đối với mọi trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội là việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. So với quy định của pháp luật hình sự Việt Nam trước kia, Bộ luật hình sự năm 2015 đã nội luật hóa quy định của pháp luật quốc tế về bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi như một nguyên tắc của hoạt  Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội.
2 động xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội. Nguyên tắc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với với người dưới 18 tuổi phạm tội vì nó đặt nền móng để cho các quy định khác của Bộ luật hình sự về xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội. Trên cơ sở đó, Bộ luật hình sự quy định các nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội gồm: Một là, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Hai là, việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Ba là, người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này: a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này; b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này; c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án. Bốn là, khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Năm là, không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Sáu là, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa, đồng thời, khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được
3 hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Bảy là, không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tám là, án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Bên cạnh quy định về nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội nêu trên, Bộ luật hình sự quy định các biện pháp xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội qua ba nhóm quy định lớn: 1/ Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự gồm biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 2/ Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; 3/ Hình phạt. Các quy định về cả ba nhóm biện pháp xử lý trên đều có quy định cụ thể về điều kiện và nội dung áp dụng. Cụ thể như sau: Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự: Về điều kiện áp dụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng một trong các biện pháp này. Biện pháp khiển trách được quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ: - Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này; - Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi. Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây: Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc; Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
4 Tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ nêu trên từ 03 tháng đến 01 năm. Biện pháp hòa giải tại cộng đồng được quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: - Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này; - Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được quy định tại Điều 95 Bộ luật Hình sự. Theo đó, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: - Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này; - Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này. Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng: được quy định tại Điều 96 và Điều 97 Bộ luật Hình sự. Theo quy định này, Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ. Người được giáo dục tại trường giáo dưỡng phải chấp hành đầy đủ những nghĩa vụ về học tập, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường. Nếu người được giáo dục tại trường giáo dưỡng đã chấp hành một phần hai thời hạn, có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của trường giáo dưỡng được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, Tòa án có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại trường giáo dưỡng. Hình phạt: Nhóm quy định về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nhìn chung kế thừa các quy định tương ứng từ Bộ luật hình sự năm 1999 với bốn loại hình phạt gồm: 1. Cảnh cáo; 2. Phạt tiền; 3. Cải tạo không giam giữ; 4. Tù có thời hạn. Trừ hình phạt cảnh cáo, ba hình phạt còn lại khi được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đều với mức thấp hơn so với mức áp dụng đối với người đủ 18 tuổi phạm tội tương ứng.

Related document

x
Report download errors
Report content



Download file quality is faulty:
Full name:
Email:
Comment
If you encounter an error, problem, .. or have any questions during the download process, please leave a comment below. Thank you.