Content text BÀI LUẬN QUẢN TRỊ RỦI RO NHÓM 4
Chương 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT 1.1. Lý thuyết về rủi ro 1.1.1. Khái niệm rủi ro Trong cuộc sống, chúng ta đối diện với nhiều thứ tình huống mà không thể biết được chuyện gì tốt xấu sẽ xảy ra. Một kế hoạch dù bạn đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng mọi thứ nhưng đến khi thực thi thì không đạt kết quả như mong muốn, hoặc đơn giản như hôm bạn lỡ quên học bài thì giáo viên lại cho làm bài kiểm tra. Những tình huống như vậy người ta gọi là rủi ro. Cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa thống nhất nào về rủi ro bởi vì mỗi trường phái, mỗi cá nhân đều có những quan điểm khác nhau khi định nghĩa về rủi ro. Những định nghĩa này rất đa dạng phong phú: - Rủi ro là một cơ hội hoặc khả năng gây nguy hiểm, mất mát, tổn thương hoặc các hậu quả tiêu cực khác hoặc liên quan đến kết quả không chắc chắn (Từ điển Oxford) - Rủi ro được miêu tả là "sự kết hợp giữa xác suất của một sự kiện và hậu quả của nó." Định nghĩa này nhận thức được rằng hậu quả có thể từ tích cực đến tiêu cực. (Viện QTRR IRM) - Rủi ro là "sự không chắc chắn về việc xảy ra của một sự kiện có thể ảnh hưởng đến việc đạt được các mục tiêu." Rủi ro được đánh giá dựa trên cả hậu quả và xác suất. (Viện Kiểm toán nội bộ lIA) - Rủi ro là "một sự kiện có khả năng ảnh hưởng (hạn chế, cải thiện hoặc gây nghi ngờ về) đến hiệu quả và hiệu suất của các quy trình cốt lõi của tổ chức (Paul Hopkins và cộng sự) Qua các định nghĩa trên ta có thể đưa ra định nghĩa rủi ro như sau: Rủi ro có thể hiểu là những sự kiện không được hoạch định gắn liền với các kết quả không được kỳ vọng, một cơ hội hoặc một sự mất mát hoặc một điều không chắc chắn xuất hiện trong tổ chức.
1.1.2. Thành phần cơ bản của rủi ro Để hiểu rõ hơn về rủi ro, chúng ta cần xem xét các thành phần cơ bản của nó, bao gồm mối đe dọa, nguồn gốc, các nhân tố thay đổi và hậu quả. Mối đe dọa: những nguy cơ tiềm ẩn, có thể mang lại cả lợi ích và thiệt hại. Khi khả năng xảy ra của nguy cơ này tăng lên và mức độ thiệt hại gây ra là rất lớn, nó sẽ trở thành một mối hiểm họa thực sự. Nguồn: môi trường mà trong đó mối đe dọa (hiểm họa) tồn tại và phát triển. Các nhân tố thay đổi: có tác động xu hướng làm tăng hay giảm khả năng (xác suất xuất hiện) và tổn thất (mức độ thiệt hại) của rủi ro: - Đa số mối nguy hiểm là nguyên nhân của một biến số. - Sự thay đổi dẫn đến sự bất định và gây ra những hậu quả khi có sự cố rủi ro. Hậu quả: kết quả xuất hiện khi rủi ro xảy ra. 1.1.3. Các dạng rủi ro Dựa vào bản chất rủi ro có thể được chia thành 4 nhóm chính: Rủi ro cơ hội (đầu cơ) là các rủi ro thị trường, rủi ro thương mại thì tổ chức sẽ chủ động tiếp cận để đạt được các lợi ích tích cực. Rủi ro kiểm soát (không chắc chắn) là các rủi ro quản trị dự án, sự không chắc chắn sẽ gắn liền với lợi ích và việc hoàn thành dự án đúng thời gian, đúng ngân sách và đúng mục tiêu định hướng thì tổ chức quản trị để đảm bảo rằng các kết quả từ dự án sẽ nằm trong vòng kỳ vọng, giảm thiểu sự sai biệt giữa kết quả kỳ vọng và kết quả thực tế. Rủi ro nguy hiểm (thuần tuý) là các rủi ro hoạt động, rủi ro có bảo hiểm thì tổ chức sẽ chấp nhận và quản trị với mức độ mà tổ chức có thể chấp nhận. Rủi ro tuân thủ là những rủi ro liên quan đến việc tuân thủ các quy định, quy định nội bộ của doanh nghiệp, các quy định pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật khác của Nhà nước liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng và cam kết.
1.2. Lý thuyết về quản trị rủi ro 1.2.1. Khái niệm về quản trị rủi ro Trong những năm gần đây, quản trị rủi ro trở thành một phần quan trọng trong việc quản lý tổ chức, vì nó giúp định hình chiến lược và hướng dẫn quyết định của tổ chức trong việc đối mặt với các rủi ro tiềm ẩn, từ đó đưa ra các quyết định giúp doanh nghiệp phát triển. Theo quan điểm truyền thống, quản trị rủi ro chủ yếu là việc mua bảo hiểm, bù đắp những tổn thất, mất mát có thể xảy ra từ phía thứ ba qua hợp đồng bảo hiểm. Theo quan điểm hiện đại của Kloman và Haimes, quản trị rủi ro là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học, toàn diện và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát, ảnh hưởng bất lợi của rủi ro để tìm cách biến rủi ro thành những cơ hội thành công. Tóm lại, quản trị rủi ro là sự nhận dạng, đo lường và kiểm soát các loại rủi ro có thể đe dọa các loại tài sản và thu nhập từ các dịch vụ chính hay từ các hoạt động sản xuất kinh doanh chính của một ngành kinh doanh hay một doanh nghiệp sản xuất. 1.2.2. Nguyên tắc của quản trị rủi ro Tương xứng: Các hoạt động quản lý rủi ro phải tương xứng với mức độ rủi ro mà tổ chức đang đối mặt. Phù hợp: Các hoạt động quản lý rủi ro toàn doanh nghiệp (ERM) cần phải phù hợp với các hoạt động khác trong tổ chức. Toàn diện: Để đạt được hiệu quả đầy đủ, phương pháp quản lý rủi ro phải toàn diện. Được tích hợp: Các hoạt động quản lý rủi ro cần được tích hợp vào trong tổ chức. Năng động: Các hoạt động quản lý rủi ro phải linh hoạt và phản ứng kịp thời với các rủi ro mới và thay đổi.