Content text 1. ĐỀ MINH HỌA 2025 - ĐGNL HCM.pdf
LỜI MỞ ĐẦU Với mục tiêu tuyển chọn được người học có năng lực tốt, phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo, phù hợp với triết lý giáo dục và yêu cầu đào tạo toàn diện, từ năm 2018, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL). Kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM có tên tiếng Anh “VIETNAM NATIONAL UNIVERSITY HO CHI MINH CITY ACADEMIC COMPETENCY TEST” (V-ACT). Kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM được triển khai theo phương thức thi trắc nghiệm khách quan, làm bài trên giấy; được tổ chức đồng thời tại nhiều địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự. Kết quả bài thi ĐGNL có độ tin cậy cao, được nhiều cơ sở giáo dục đại học trong cả nước tin tưởng, khai thác sử dụng phục vụ công tác tuyển sinh đại học. Việc tham dự Kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường phù hợp với năng lực của bản thân. Bên cạnh đó, Kỳ thi cũng giới thiệu cách tiếp cận mới về đánh giá năng lực, góp phần định hướng tốt hơn cho học sinh bậc trung học phổ thông, giúp học sinh học tập và rèn luyện hiệu quả hơn những năng lực quan trọng để tiếp tục học các bậc cao hơn. Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo là đơn vị trực thuộc ĐHQG-HCM, được ĐHQG-HCM giao nhiệm vụ phụ trách các công tác liên quan của Kỳ thi ĐGNL. Các văn bản, tài liệu hướng dẫn, đề thi mẫu là tài sản thuộc bản quyền sở hữu của Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo và ĐHQG-HCM. Tất cả hành vi sao chép, chỉnh sửa, các hành vi khác liên quan đến đề thi mẫu ĐGNL ĐHQG-HCM trong bản tài liệu này khi chưa thông qua Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo và ĐHQG-HCM đều không được phép. Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo ĐHQG-HCM không tổ chức luyện thi, cũng như không liên kết với bất kỳ tổ chức và cá nhân nào liên quan đến hoạt động ôn luyện thi ĐGNL ĐHQG-HCM. Mọi hành vi mạo danh, sử dụng hình ảnh, logo Kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM, ĐHQG-HCM và Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo để quảng bá luyện thi là phạm pháp. Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10/2024 Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo, ĐHQG-HCM
MỤC LỤC HƯỚNG DẪN LÀM BÀI THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC............................................... 1 CẤU TRÚC ĐỀ THI........................................................................................................... 2 PHẦN 1: SỬ DỤNG NGÔN NGỮ................................................................................. 3 1.1. TIẾNG VIỆT......................................................................................................... 3 1.2. TIẾNG ANH ......................................................................................................... 7 PHẦN 2. TOÁN HỌC ................................................................................................... 10 PHẦN 3. TƯ DUY KHOA HỌC.................................................................................. 13 3.1. LOGIC, PHÂN TÍCH SỐ LIỆU....................................................................... 13 3.2. SUY LUẬN KHOA HỌC .................................................................................. 14
1 HƯỚNG DẪN LÀM BÀI THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Đề thi ĐGNL ĐHQG-HCM được thực hiện bằng hình thức thi trực tiếp, trên giấy. Thời gian làm bài 150 phút. Đề thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 04 lựa chọn. Trong đó: + Phần 1: Sử dụng ngôn ngữ: ➢ Tiếng Việt: 30 câu hỏi; ➢ Tiếng Anh: 30 câu hỏi. + Phần 2: Toán học: 30 câu hỏi. + Phần 3: Tư duy khoa học: ➢ Logic, phân tích số liệu: 12 câu hỏi; ➢ Suy luận khoa học: 18 câu hỏi. Mỗi câu hỏi trắc nghiệm khách quan có 04 lựa chọn (A, B, C, D). Thí sinh lựa chọn 01 phương án đúng duy nhất cho mỗi câu hỏi trong đề thi. Để đạt kết quả tốt, thí sinh cần chia thời gian hợp lý cho từng phần thi, kiểm soát tốt thời gian làm bài. Cần rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, đọc lướt nhanh nhưng nắm được ý chính và hiểu được nội dung của đoạn văn bản, câu hỏi; xem xét tất cả phương án trả lời và chọn đáp án mà thí sinh thấy là phù hợp nhất với câu hỏi. Với các câu hỏi dễ, thí sinh cần hoàn thành nhanh để dành thời gian cho các câu hỏi khó hơn. Tuy nhiên, nếu gặp phải một câu hỏi quá khó thì hãy chuyển sang làm câu hỏi khác để tránh mất nhiều thời gian vào câu hỏi đó; sau khi làm xong hết các câu hỏi dễ mới trở lại câu hỏi đó, nếu còn thời gian. Thí sinh cũng cần hoàn thành nhanh chóng các câu hỏi đơn để dành thời gian đọc, tư duy, suy luận logic cho các nhóm câu hỏi trong các bài đọc. Nếu chưa tìm thấy đáp án ngay, hãy tìm các từ khóa, dữ kiện liên quan nội dung câu hỏi được cung cấp trong bài đọc và xem lại các phương án trả lời, so sánh điểm khác nhau giữa các phương án trả lời và loại trừ các phương án trả lời sai nhiều nhất có thể. Cách này sẽ giúp thí sinh có thể lựa chọn được đáp án cảm thấy đúng nhất cho câu hỏi. Thí sinh cần dành thời gian rà soát, kiểm tra lại các phương án đã trả lời để tránh trường hợp tô nhầm ô hay bỏ trống trên phiếu trả lời trắc nghiệm.